Giải thích ý nghĩa của các thông số máy ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu

Tìm hiểu các thông số máy ảnh cơ bản là việc rất quan trọng đối với những bạn là tân binh trong làng nhiếp ảnh. Nếu bạn muốn tùy chỉnh như chế độ lấy nét,chế độ xóa phông,chế độ thủ công…và cách mà chúng ảnh hưởng đến chất lượng ảnh chụp. Thì xin chúc mừng vì ở đây, Thanh Mai Store sẽ chia sẻ cho các bạn những thông tin xoay quanh chủ đề này đầy đủ, chi tiết và dễ hiểu nhất!

Các thông số máy ảnh cơ bản

Những thông số cơ bản đặc biệt quan trọng mà bất cứ người mới nào cũng cần phải nắm rõ đó là ISO, khẩu độ, tốc độ chụp và độ sáng. 

ISO - Độ nhạy sáng

ISO là độ nhạy sáng của cảm biến ảnh, thể hiện bằng các con số như 100, 200, 800…. Dải ISO tiêu chuẩn là từ 100-6400. Đối với nhiều dòng máy cao cấp, dải ISO có thể lớn hơn rất nhiều.

Thông số ISO càng cao thì cảm biến càng nhạy sáng, qua đó các bạn có thể chụp ảnh ở trong điều kiện ánh sáng yếu.

Thế nhưng, nếu các bạn để ISO quá cao sẽ làm tăng đáng kể tình trạng nhiễu hay Noise trong ảnh và một số tình trạng như mất màu, giảm chi tiết ảnh. Do đó, các bạn cần phải thực sự chú ý khi điều chỉnh ISO nhằm đảm bảo ảnh chụp sau cùng đạt được độ rõ nét và tránh nhiễu cao nhất.

Việc tăng ISO thường được sử dụng khi chụp trong các tình huống thiếu sáng nhưng muốn có tốc độ chụp cao hơn. Chẳng hạn như các buổi hòa nhạc, trong phòng trưng bày nghệ thuật có ánh sáng yếu, các buổi tiệc, sinh nhật,... mà không được sử dụng đèn Flash để giúp ảnh tăng độ sáng. Và tất nhiên, chất lượng ảnh lúc này cũng sẽ giảm xuống do độ nhiễu hạt tăng lên.

ISO 100 thường là lựa chọn mặc định để cho ra những tấm ảnh sắc nét và ít nhiễu hạt nhất. 

Hầu hết mọi người đều có xu hướng để ISO tự động, tức là máy ảnh sẽ chọn ISO thích hợp với từng trường hợp chụp. 

Khẩu độ (Aperture)

Khẩu độ là độ mở của các lá khẩu tích hợp bên trong ống kính máy ảnh; giống như chiếc van để điều chỉnh ánh sáng đi vào cảm biến và quyết định đến độ sâu trường ảnh

Khẩu độ mở được biểu diễn bằng giá trị f/ – hay F-stop trong tiếng Anh. Giá trị f/ càng nhỏ thì khẩu độ mở càng lớn. Theo đó, mức khẩu độ càng nhỏ, độ mở trên ống kính sẽ càng lớn từ đó cho phép nhiều ánh sáng vào máy ảnh hơn.

Nếu các bạn chưa biết thì độ sâu trường ảnh là: khoảng cách từ điểm gần nhất đến điểm xa nhất trong bức ảnh. Mức độ sâu thấp sẽ làm nổi bật đối tượng chủ thể và làm mờ phông nền; còn mức độ sâu trường cao sẽ làm cho tất cả cảnh chụp đều nét.

Khi khẩu độ được mở rộng, nó sẽ cô lập nền trước với nền sau, làm cho đối tượng ở chính ở phía trước trở nên sắc nét và phân cảnh ở nền sau bị nhòe đi. Thích hợp khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, chụp chân dung, tạo hiệu ứng xóa phông, tạo hiệu ứng bokeh…

Ngược lại, khi khẩu độ nhỏ, tất cả đối tượng ở nền trước lẫn nền sau được sắc nét. Các trường hợp thường cần khẩu độ nhỏ như chụp trong điều kiện ánh sáng mạnh, chụp nhóm đông người, chụp phong cảnh, kiến trúc…

Bạn có thể kiểm soát khẩu độ bằng cách thiết lập máy ảnh để ở chế độ "A", "AV" hoặc "M".

Tốc độ chụp (Shutter Speed)

Tốc độ màn trập hay tốc độ chụp là thời gian mà cửa trập mở cho ánh sáng đi vào cảm biến. Đây là thông số quan trọng nhất của máy quyết định độ sáng cũng như độ sắc nét của ảnh.

Thông số này được đo bằng giây như 1'', 10''. Phần lớn các trường hợp sẽ được đo bằng một phần của giây như 1/1000s, 1/300s, 1/30s…và được hiển thị trên màn hình của máy dưới dạng số nguyên như 1000, 600, 30…

Nếu tốc độ màn trập nhanh bức ảnh sẽ sắc nét nhưng có thể bị thiếu sáng, chủ thể nếu di chuyển sẽ dường như dừng lại. Ngược lại, nếu tốc độ màn trập chậm, ảnh có thể bị dư sáng, chủ thể nếu di chuyển sẽ bị nhòe, thể hiện được sự chuyển động.

Bạn có thể kiểm soát tốc độ màn trập bằng cách thiết lập máy ảnh để ở chế độ "S" hoặc "TV" tùy từng dòng máy. 

Có thể sử dụng chế độ "M", nhưng người dùng cần kết hợp với khẩu độ và ISO để tạo ra bức ảnh chính xác.

Độ sáng (Exposure)

Độ sáng hay Exposure chỉ mức độ ánh sáng có trong hình ảnh và thông số này được quyết định từ cả 3 yếu tố ISO, khẩu độ và tốc độ chụp. Chính bởi sự kết hợp này mà việc điều chỉnh cần phải được chú ý cẩn thận, tránh trường hợp hậu cảnh quá sáng hoặc quá tối (0 là bình thường, giá trị – là giảm sáng, giá trị + là tăng sáng).

Và nếu như các bạn chỉ mới làm quen với máy ảnh, thì hãy cân nhắc sử dụng đến chế độ tự động hoặc bán tự động để hỗ trợ trong quá trình điều chỉnh.

Thông số máy ảnh nâng cao

Ngoài những thông số cơ bản ở trên, chúng ta vẫn còn đó một số thông số nâng cao hơn, thứ có thể giúp các bạn khai thác tối đa khả năng của máy ảnh và tạo ra những bức ảnh theo phong cách riêng. Một số thông số thú vị có thể kể đến như là:

  • Tiêu cự: Là thông số chỉ khoảng cách từ trung tâm của ống kính đến điểm tiêu cự trên cảm biến khi ống kính lấy nét vô cực, tiêu cự ngắn sẽ tạo ra góc nhìn rộng trong khi tiêu cự dài sẽ tạo ra góc nhìn hẹp. 

Tìm hiểu chi tiết tại đây nhé: Tiêu cự máy ảnh, ống kính là gì? Ý nghĩa và cách chọn Ống kính tiêu cự phù hợp

  • Zoom: Là thông số chỉ khả năng thay đổi tiêu cự của ống kính, qua đó thu được nhiều góc nhìn khác nhau.

  • Cân bằng trắng: Là thông số chỉ màu sắc của ánh sáng trong bức ảnh, được quyết định bởi nhiệt độ màu hay có thể nói là mức độ ấm hay lạnh của ánh sáng.

Mình cũng lưu ý nhẹ với các bạn là đây là những thông số cần thiết để bạn làm quen với bộ môn nhiếp ảnh. Tùy thuộc vào loại máy ảnh, hãng máy ảnh sẽ còn những thông số khác nhau, nên mình không thể liệt kê hết trong đây được. Thông cảm cho mình, các bạn nhé!

Nếu muốn tìm hiểu nâng cao hơn, bạn có thể xem qua bài viết này nhé: Hướng dẫn sử dụng máy ảnh cho người mới bắt đầu

Hy vọng Thanh Mai Store đã đem đến cho các bạn, đặc biệt là những tân binh làng ảnh những thông tin có ích trong quá trình theo đuổi đam mê.

Đăng kí nhận tin